>>> Xem thêm: Khái quát về lập kế hoạch sản xuất kinh doanh
1. Khái niệm về hoạt động kinh doanh ngoại hối
Kinh doanh ngoại hối là việc mua bán các loại ngoại tệ khác nhau nhằm đảm bảo cân đối các nhu cầu về ngoại tệ cho ngân hàng và tìm cách thu lợi nhuận thông qua chênh lệch về tỷ giá và lãi suất giữa các đồng tiền khác nhau.
Theo pháp lệnh ngoại hối Việt Nam năm 2005, ngoại hối bao gồm: Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ); Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác; Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác; Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.
2. Đặc trưng cơ bản của hoạt động kinh doanh ngoại hối
Thứ nhất, hoạt động kinh doanh ngoại hối là hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Các hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung đều chứa đựng nhiều rủi ro, tuy nhiên đối với hoạt động KDNH, do liên quan đến nhiều đồng tiền của nhiều quốc gia và có tính nhạy cảm cao đối với những biến động về kinh tế, chính trị, xã hội… của các quốc gia trên thế giới do đó hoạt động này ẩn chứa nhiều rủi ro hơn. Các rủi ro đó có thể là rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động, rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro tỷ giá, rủi ro về lãi suất.
Thứ hai, KDNH là một hoạt động phức tạp, đặc trưng cho nền kinh tế thị trường hiện đại. Do hoạt động kinh doanh này diễn ra trên một thị trường có tính toàn cầu hóa cao, lại không có giới hạn về thời gian và không gian, nên hoạt động này đòi hỏi phải có đầy đủ cơ sở vật chất, các trang thiết bị hiện đại, các phương tiện thông tin liên lạc tiên tiến mới mong đạt hiệu quả cao.
Thứ ba, KDNH là hoạt động đòi hỏi nhà kinh doanh phải có hiểu biết về nhiều lĩnh vực, phải có những kỹ năng nhất định, có trình độ quản lý và khả năng nắm bắt thị trường một cách linh hoạt. Nhà kinh doanh phải có chuyên môn nghiệp vụ cùng với việc cập nhật thông tin thường xuyên để nắm bắt, xác định những gì xảy ra trên thị trường, từ đó có những dự báo chính xác về những biến động của thị trường để đưa ra những quyết định đúng đắn trong kinh doanh.
3. Các nghiệp vụ cơ bản trong kinh doanh ngoại hối
Giao dịch ngoại hối giao ngay
Giao dịch ngoại hối giao ngay là hoạt động mua bán các đồng tiền khác nhau, trong đó ngày thanh toán có giá trị trong vòng 2 ngày làm việc tiếp theo. Trong thời hạn 2 ngày này, các bên tiến hành kiểm tra, hoàn tất giấy tờ thủ tục thanh toán. Loại giao dịch này thực hiện trên cơ sở tỷ giá giao ngay và nơi diễn ra được gọi là thị trường ngoại hối giao ngay.
Ví dụ: NHTM X mua 100.000USD vào ngày thứ 2 (1/3/2010) thì sau đó 2 ngày, tức là ngày thứ 4 (3/3/2010), NHTM X sẽ nhận được giấy báo Có trên tài khoản số đôla đó.
Đối với những nước nghỉ 2 ngày cuối tuần thì ngày giao nhận ngoại tệ sẽ được tính vào ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.
Giao dịch ngoại hối kỳ hạn
Giao dịch kỳ hạn được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho ngân hàng tại một thời điểm đã xác định trong tương lai và còn nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro trước những biến động về tỷ giá. Đây là nghiệp vụ kinh doanh trong đó các yếu tố của giao dịch như tỷ giá, số tiền, ngày giao dịch được xác định ở thời điểm hiện tại còn việc thực hiện giao dịch lại ở một thời điểm xác định trong tương lai.
Khác với các hợp đồng kỳ hạn, các hợp đồng giao dịch tiền tệ tương lai là những hợp đồng được tiêu chuẩn hóa và được thực hiện trên sàn giao dịch của sở giao dịch tiền tệ tương lai. Ngoài ra, các hợp đồng giao dịch tiền tệ tương lai không chỉ được sử dụng nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro mà còn được sử dụng nhằm mục đích đầu cơ.
Các giao dịch tương lai được thực hiện bằng cách: Khách hàng khi có nhu cầu mua hoặc bán một lượng ngoại tệ cụ thể thì sẽ đặt các lệnh mua hoặc bán tương ứng gửi cho các nhà môi giới hay các thành viên của sở giao dịch. Trên sở giao dịch, công ty thanh toán bù trừ sẽ hạch toán các khoản lãi, lỗ của các bên vào số tiền ký quỹ ban đầu. Để tránh rủi ro, các nhà thanh toán bù trừ sẽ yêu cầu nhà kinh doanh ký quỹ bổ sung trong trường hợp số dư trên tài khoản ký quỹ giảm xuống đến một mức quy định nào đó. Nếu không thực hiện ký quỹ bổ sung trong thời gian quy định, nhà thanh toán bù trừ có thể tự động thanh lý hợp đồng với nhà kinh doanh này.
Đối với giao dịch tương lai, khối lượng các loại ngoại tệ giao dịch được quy định cụ thể, ví dụ đối với GBP là 5.000.000, đối với EUR là 10.000.000…
Cũng giống như tỷ giá kỳ hạn, tỷ giá trong các hợp đồng tương lai chính là tỷ giá giao ngay dự đoán tại thời điểm hợp đồng đáo hạn.
Giao dịch hoán đổi ngoại hối (Swap)
Giao dịch hoán đổi ngoại tệ là một công cụ hữu hiệu cho các nhà đầu tư, những người đi vay ngoại tệ và các Ngân hàng trong việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái hoặc kinh doanh thu lợi nhuận.
Giao dịch hoán đổi ngoại hối là việc đồng thời mua vào và bán ra một đồng tiền nhất định, trong đó ngày giá trị mua vào và ngày giá trị bán ra là khác nhau, tỷ giá mua vào và tỷ giá bán ra được xác định tại thời điểm ký kết hợp đồng. Do số lượng tiền mua vào và bán ra là bằng nhau nên giao dịch này không tạo ra trạng thái ngoại hối ròng cho các ngân hàng tham gia giao dịch, do đó mà tránh được rủi ro tỷ giá.
Đối với giao dịch hoán đổi ngoại tệ, tỷ giá hoán đổi phản ánh điểm kỳ hạn hay điểm hoán đổi mà tại đó ngân hàng yết giá sẵn sàng hoán đổi hai đồng tiền nhất định thông qua giao dịch giao ngay và giao dịch kỳ hạn. Do đó xét về bản chất thì:
Tỷ giá hoán đổi = Điểm hoán đổi = Điểm kỳ hạn
Tỷ giá hoán đổi chính là điểm kỳ hạn nên có thể viết:
Tỷ giá hoán đổi = Tỷ giá giao ngay – Tỷ giá kỳ hạn
Việc xác định tỷ giá giao ngay trong giao dịch Swap được các đối tác tham gia thoả thuận. Trong thực tế ngân hàng yết giá có thể áp dụng tỷ giá giao ngay khác nhau trong hợp đồng. Tuy nhiên, để giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch các bên thường chọn tỷ giá giao ngay trong giao dịch Swap là tỷ giá trung bình giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán.
Giao dịch quyền chọn ngoại tệ
Hợp đồng quyền chọn tiền tệ là một công cụ tài chính, cho phép người mua hợp đồng có quyền (chứ không có nghĩa vụ) mua hoặc bán một đồng tiền nhất định trong tương lai tại mức tỷ giá đã được thỏa thuận, gọi là tỷ giá quyền chọn, hay tỷ giá giao dịch. Ngược lại, đối với người bán hợp đồng quyền chọn không có bất cứ sự lựa chọn nào khác, ngoài việc sẵn sàng giao dịch khi người mua muốn.
Có hai loại hợp đồng quyền chọn tiền tệ: hợp đồng quyền chọn mua tiền tệ và hợp đồng quyền chọn bán tiền tệ.
Hợp đồng quyền chọn mua tiền tệ (call option) là hợp đồng, trong đó người mua hợp đồng sau khi đã trả phí mua quyền chọn thì luôn quan tâm đến quyền được mua tiền tệ ở mức tỷ giá đã xác định, nếu thấy có lợi hoặc quyền không tiến hành giao dịch, nếu thấy bất lợi.
Hợp đồng quyền chọn bán tiền tệ (put option) là hợp đồng, trong đó người mua hợp đồng sau khi đã trả phí mua quyền chọn thì có quyền bán một đồng tiền nhất định tại mức tỷ giá đã xác định trong hợp đồng nếu thấy có lợi hoặc có quyền không tiến hành giao dịch nếu thấy bất lợi.
4. Vai trò của hoạt động kinh doanh ngoại hối đối với Ngân hàng thương mại
– Hoạt động KDNH có thể giúp các Ngân hàng thu được một khoản lợi nhuận đáng kể thông qua hoạt động mua bán ngoại tệ để hưởng chênh lệch tỷ giá, kể cả các khoản thu phí khi ngân hàng thực hiện dịch vụ cho khách hàng cũng là một nguồn thu đáng kể.
– Hoạt động KDNH có tác dụng thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động khác như thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, bảo lãnh,..phát triển, góp phần làm tăng quy mô, thu hút thêm nhiều khách hàng đến với ngân hàng.
– Các nghiệp vụ trong KDNH giúp các ngân hàng có các công cụ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, thực hiện đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh.