>>> Xem thêm: Khái Quát Về Công Tác Phân Tích Công Việc
1. Khái niệm kế hoạch kinh doanh
Thông thường, khi muốn vay vốn hay làm thủ tục xin thành lập doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần phải đệ trình một bản nghiên cứu khả thi hoặc một bản kế hoạch kinh doanh để được xem xét chấp thuận. Nền kinh tế ngày càng phát triển, đầu tư ngày càng tăng thì các doanh nghiệp đang hoạt động càng có nhu cầu mở rộng, phát triển sản xuất và càng có nhiều nhà đầu tư tiềm năng muốn tham gia thị trường…. dẫn đến tăng nhu cầu lập kế hoạch kinh doanh. Hơn nữa, việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh không chỉ được quan tâm bởi các nhà đầu tư mà ngay cả ban quản trị doanh nghiệp cũng xem đây là một công cụ giúp cho họ định hướng và quản lý hoạt động nhằm đạt mục tiêu doanh nghiệp.
Khác với một nghiên cứu khả thi, kế hoạch kinh doanh là bản tổng hợp các nội dung chứa trong các kế hoạch bộ phận bao gồm kế hoạch tiếp thị, kế hoạch sản xuất, kế hoạch nhân sự, kế hoạch tài chính mà doanh nghiệp dự kiến thực hiện.
Nội dung kế hoạch kinh doanh nhằm mô tả, phân tích hiện trạng hoạt động bên trong doanh nghiệp và bên ngoài doanh nghiệp (môi trường kinh doanh), trên cơ sở đó đưa ra các hoạt động dự kiến cần thiết trong tương lai nhằm đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Với các phân tích về nguồn lực của doanh nghiệp, về môi trường kinh doanh, về đối thủ cạnh tranh, kế hoạch kinh doanh sẽ đưa ra các kế hoạch thực hiện cùng các dự báo kết quả hoạt động trong khoảng thời gian kế hoạch.
2. Nội dung kế hoạch kinh doanh
2.1. Mô tả doanh nghiệp
Tên công ty, ngày thành lập, tên chủ doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động. Vị trí của doanh nghiệp đối với ngành, doanh nghiệp đang ở giai đoạn phát triển nào, hoạt động trong bao lâu. Tình trạng hoạt động có ổn định không? Doanh thu và lợi nhuận hiện tại? so với đối thủ cạnh tranh như thế nào? Có những thay đổi gì so với trước. Mô tả quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp, kết quả hoạt động trong những năm qua, sản phẩm chính, các biến cố quan trọng và giải pháp để vượt qua.
Các yếu tố thành công: nhận dạng loại hình hoạt động hoặc ngành nghề của doanh nghiệp và thị trường mục tiêu. Trình bày các điểm cơ bản về mục tiêu của doanh nghiệp, mô tả các đặc điểm chính, ghi nhận các khác biệt có ý nghĩa so với các đối thủ cạnh tranh. Đưa ra phác thảo nhanh về triển vọng phát triển của doanh nghiệp, chi tiết các mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp, bản nhiệm vụ hoặc phương châm kinh doanh của doanh nghiệp.
2.2. Mô tả sản phẩm
Mô tả khái quát về sản phẩm của doanh nghiệp. Sau đó trình bày chi tiết hơn về thuộc tính, các đặc trưng riêng biệt của sản phẩm được xem là quan trọng đối với người mua hoặc những khác biệt của sản phẩm so với đối thủ cạnh tranh. Các lợi ích mà người mua nhận được từ sản phẩm và nhu cầu mà sản phẩm đó đáp ứng bao gồm lợi ích trực tiếp và gián tiếp.
2.3. Phân tích thị trường
Khách hàng
Tập trung phân tích ở hai mặt: dùng một hay nhiều yếu tố về giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, thu nhập… để phân khúc thị trường ra thành nhiều nhóm khách hàng. Tiến hành thu thập thông tin theo các nhóm khách hàng này về nhu cầu, sở thích, lòng trung thành, các mối quan tâm về sản phẩm, giá cả, phân phối và chiêu thị. Những phân tích này giúp xác định việc định vị sản phẩm đã hợp lý chưa, thị trường còn phân khúc tiềm năng nào mà doanh nghiệp có thể tham gia không.
Đối thủ cạnh tranh
Là những doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng cùng loại với công ty. Đối thủ cạnh tranh chia sẻ thị phần với công ty, có thể vươn lên nếu có lợi thế cạnh tranh cao hơn. Tính chất sự cạnh tranh trong ngành tăng hay giảm tùy theo quy mô thị trường, tốc độ tăng trưởng của ngành và mức độ đầu tư của đối thủ cạnh tranh.
Nhà cung cấp
Là những cá nhân hay công ty cung ứng những yếu tố đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh của công ty như: nhà cung cấp nguyên liệu, nhà cung cấp tài chính, nhà cung cấp máy móc thiết bị, nhà cung cấp lao động…
Nhà cung cấp có thể tạo cơ hội cho công ty khi giảm giá, tăng chất lượng sản phẩm, đồng thời có thể gây ra những nguy cơ cho công ty khi tăng giá, giảm chất lượng sản phẩm, không đảm bảo số lượng và thời gian cung cấp
Đối thủ tiềm ẩn
Là những đối thủ cạnh tranh có thể sẽ tham gia thị trường trong tương lai hình thành những đối thủ cạnh tranh mới. Khi đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện sẽ khai thác các năng lực sản xuất mới giành lấy thị phần gia tăng áp lực cạnh tranh ngành và làm giảm lợi nhuận của công ty.
3. Kế hoạch sản xuất
Kế hoạch sản xuất bao gồm kế hoạch tiêu thụ, kế hoạch sản xuất, kế hoạch nguyên vật liệu trực tiếp, kế hoạch chi phí nhân công trực tiếp, kế hoạch chi phí sản xuất chung, kế hoạch chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp
Kế hoạch tiêu thụ
Là cơ sở cho tất cả các kế hoạch khác, định hướng hoạt động, chỉ đạo quá trình sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Kế hoạch tiêu thụ được lập dựa trên cơ sở:
Tình hình tiêu thụ các kỳ kế toán trước.
Chính sách giá cả sản phẩm, khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ.
Xu hướng phát triển của ngành, lĩnh vực đơn vị hoạt động.
Thu nhập người tiêu dùng
Các chính sách của nhà nước.
Những biến động kinh tế xã hội.
Kế hoạch sản xuất
Sản xuất phải đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ, đồng thời phải đảm bảo mức tồn kho sản phẩm tối thiểu cần thiết đảm bảo cho quá trình tiêu thụ liên tục. Mức tồn kho sản phẩm cuối kỳ tùy thuộc chủ yếu vào chu kỳ sản xuất, chu kỳ sản xuất càng dài mức tồn kho càng lớn và ngược lại.
Kế hoạch nguyên vật liệu trực tiếp
Kế hoạch nguyên vật liệu trực tiếp được lập trên cơ sở kế hoạch sản xuất và định mức chi phí nguyên vật liệu trực tiếp nhằm xác định nhu cầu về lượng và giá đảm bảo nguyên vật liệu cho sản xuất và kế hoạch thanh toán tiền mua nguyên vật liệu.
Kế hoạch chi phí nhân công trực tiếp
Được căn cứ vào kế hoạch sản xuất, định mức chi phí nhân công trực tiếp nhằm xác định thời gian lao động và chi phí nhân công cần thiết đảm bảo cho tiến trình sản xuất. Trên cơ sở đó bố trí, tuyển dụng lao động để đảm bảo đủ cho quá trình sản xuất trong kỳ.
4. Kế hoạch nhân sự
Thành phần nhân sự chủ chốt
Giới thiệu những nhân vật chủ chốt, bản tóm tắt về quá trình đào tạo, cũng như kinh nghiệm làm việc để chứng minh năng lực làm việc của ban lãnh đạo. Trình bày cụ thể kế hoạch phân công, phân nhiệm của các nhân vật chủ chốt tránh tình trạng các mâu thuẫn do vượt quá quyền hạn sau này.
Sơ đồ tổ chức
Lập bảng phân chia công việc và ghi rõ trách nhiệm của mỗi người, nêu thêm một vài thông tin về nhân sự chủ chốt. Căn cứ vào yêu cầu công việc để bố trí người chứ không căn cứ vào người để bố trí công việc.
Kế hoạch xây dựng và phát triển nguồn nhân lực
Trình bày các vấn đề cụ thể như các vị trí cần thiết, quy trình và hình thức tuyển dụng nhân viên, các chính sách đánh giá, đãi ngộ, chính sách bồi dưỡng – huấn luyện về chuyên môn nghiệp vụ. Sau khi lập xong các kế hoạch tiếp thị, sản xuất, trong kế hoạch nhân sự sẽ thiết lập danh sách tổng hợp nguồn nhân sự cần thiết từ các bộ phận, dự kiến mức lương cho từng vị trí và ước tính tổng chi phí tiền lương cho toàn doanh nghiệp để làm cơ sở cho các tính toán tài chính.
5. Kế hoạch tài chính
5.1. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh dự kiến
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là một báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh kết quả và hiệu quả hoạt động trong một kỳ kế toán. Kết quả hoạt động kinh doanh được xác định bằng doanh thu trừ các khoản chi phí tương xứng để tạo nên doanh thu. Báo cáo kết quả kinh doanh được tổng hợp từ doanh thu và chi phí trong kế hoạch.
5.2. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ dự kiến
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ dự kiến là một bảng tổng hợp tiền thu vào, tiền chi ra liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp trong kế hoạch. Mỗi doanh nghiệp cần xác lập một mức dự trữ tiền mặt tối thiểu hợp lý để phục vụ cho mọi hoạt động của doanh nghiệp. Trên cơ sở cân đối tiền thu chi cho từng hoạt động đồng thời đảm bảo mức tiền mặt tồn quỹ cần thiết, doanh nghiệp sẽ có kế hoạch sử dụng vốn bằng tiền dư thừa hoặc có kế hoạch bù đắp lượng tiền thiếu hụt trong quá trình hoạt động
5.3. Bảng cân đối kế toán dự kiến
Bảng cân đối kế toán là một bảng tổng hợp số dư đầu và cuối của 1 kỳ kế toán của các loại tài khoản: tài sản gồm tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn, nguồn vốn gồm nợ phải trả và vốn chủ sở hữu. Nó được sử dụng để kiểm tra, đánh giá sự chính xác của việc định khoản, ghi chép số liệu, và tình hình biến động của tài sản và nguồn vốn.
Bảng cân đối kế toán dự kiến là xác lập các danh mục tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn sở hữu để đảm bảo và cân đối với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh đã được dự kiến trong kế hoạch. Bảng cân đối kế toán dự kiến được căn cứ vào bảng cân đối kế toán năm trước và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, những dự báo thay đổi về tài sản, nguồn vốn trong kế hoạch.