Thứ nhất, về chính sách thu học phí
Việc thực hiện tự chủ tài chính của các nhà trường chưa thực sự được chủ động. Nghị định 16 của Chính phủ, đã tháo gỡ được nút thắt của Nghị định 43, đó là việc phân định đơn vị sự nghiệp công lập thành 4 loại, và đơn vị sự nghiệp công lập nào càng tự chủ được về tài chính trong hoạt động sự nghiệp của mình, càng được quyền chủ động trong các lĩnh vực như sử dụng lao động, quyết định mức thu nhập tăng thêm từ kinh phí được giao tự chủ tiết kiệm được. trong số các trường đại học được giao tự chủ tài chính, có sáu trường thuộc tốp đầu được giao tự chủ: Đại học Kinh tế Quốc dân; Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Ngoại thương; Đại học Tài chính-Marketing; Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, thì mới chỉ có hai trường học phí thu tăng gần 30% là Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Ngoại thương, Đại học Marketing 20%, số còn lại học phí thu tăng thấp, chưa trang trải đủ chi phí đào tạo.
Thứ hai, tổ chức bộ máy quản lý tài chính của các trường đại học
Việc thiết lập một bộ máy quản lý tài chính trong đó có nội dung quản lý nguồn thu hợp lý thích hợp với sự vận hành các hoạt động của nhà trường có vai trò rất quan trọng. Lựa chọn hình thức tổ chức bộ máy quản lý tài chính khoa học, hợp lý sẽ làm giảm bớt khối lượng công việc, tiết kiệm chi phí từ đó sẽ nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác đào tạo. Nhưng, thực tế việc tổ chức bộ máy quản lý tài chính tại các trường được giao tự chủ, chưa được quan tâm đúng mức, vẫn cồng kềnh, chưa được thiết kế theo hướng tinh giản, gọn nhẹ nên thực sự chưa hiệu quả.
Thứ ba, trình độ, năng lực của cán bộ quản lý tài chính của các trường đại học công lập.
Hiệu trưởng là người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, quyết định việc xây dựng dự toán thu chi, quy định mức tiền lương, phân phối thu nhập tăng thêm, phúc lợi và trích lập quỹ của trường. Hiện nay, hầu như lãnh đạo các nhà trường ngoài yêu cầu về chuyên môn, năng lực quản lý chung, có uy tín, chưa đặt ra yêu cầu về năng lực quản lý tài chính. Bởi hiệu trưởng nhà trường là người chịu trách nhiệm trong việc phê duyệt định hướng phát triển và khả năng tài chính của nhà trường; trách nhiệm giải trình không chỉ trước cơ quan quản lý cấp trên, đồng cấp, mà còn trước toàn thể cán bộ giảng viên trong nhà trường về mọi hoạt động thu chi của nhà trường.
Thứ tư, hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong các nhà trường quy định, các thủ tục kiểm soát do đơn vị xây dựng và áp dụng nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật và các quy định để kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa, phát hiện sai sót nhằm quản lý và sử dụng các nguồn thu của nhà trường một cách có hiệu quả. Đơn vị có hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ, hữu hiệu sẽ giúp cho công tác quản lý tài chính sẽ được thuận lợi, chặt chẽ, giúp đơn vị chấn chỉnh và kịp thời phát hiện sai sót, ngăn chặn hành vi gian lận trong công tác quản lý và sử dụng nguồn thu tại đơn vị.
Kiểm tra tài chính là một hoạt động quan trọng, không thể thiếu trong quản lý tài chính. Kiểm tra tài chính một cách hữu hiệu bảo đảm cho người quản lý đơn vị nắm được chính xác, toàn diện về tình hình tài chính để điều hành và chủ động, tự chủ trong hoạt động tài chính của đơn vị.
Thứ năm, quy chế chi tiêu nội bộ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ, quy chế chi tiêu nội bộ như kim chỉ nam cho hoạt động chi tiêu của nhà trường, nó bảo đảm các khoản thu chi tài chính của nhà trường được thực hiện theo quy định có sự đồng thuận cao. Việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính. Mặc dù việc quản lý tài chính của các nhà trường được giao tự chủ là tùy theo đặc điểm của mỗi trường, nhưng việc Chính phủ chưa ban hành quy định thống nhất để các nhà trường xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo khung khổ chung là một khó khăn cho các nhà trường.
Xem thêm:
- Luận văn marketing
- Quản lý tài chính các trường Đại học công lập ở Việt Nam
- Thực trạng thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các trường đại học công lập