>>> Xem thêm: Khái Quát Về Công Tác Phân Tích Công Việc
1. Các khái niệm cơ bản
1.1. Khái niệm nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực là nguồn lực con người, là một trong ba yếu tố của quá trình sản xuất, cung cấp sức lao động cho xã hội tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Nguồn nhân lực được xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau nên có những khái niệm khác nhau.
Tiếp cận dựa trên khả năng lao động của con người: Nguồn nhân lực bao gồm tất cả những người có cơ thể phát triển bình thường có khả năng lao động.
Tiếp cận dựa vào khả năng lao động và giới hạn tuổi lao động: Nguồn nhân lực bao gồm tất cả những người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động không kể đến trạng thái có việc làm hay không có việc làm.
Tiếp cận theo cách hiểu của các nhà kinh tế: Nguồn nhân lực là tổng thể những tiềm năng của con người của một quốc gia có trong một thời kỳ nhất định. Tiềm năng đó bao gồm tổng hòa năng lực về thể lực, trí lực, nhân cách của con người đáp ứng một cơ cấu do nền kinh tế – xã hội đòi hỏi ( về số lượng, chất lượng và cơ cấu).
Như vậy nguồn nhân lực bao gồm hai bộ phận: bộ phận thứ nhất là tất cả những người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động. Bộ phận thứ hai là những người ngoài độ tuổi lao động, có khả năng lao động và có nhu cầu tham gia lao động.
Khi nghiên cứu về nguồn nhân lực không chỉ xem xét về mặt số lượng mà phải xem xét cả về mặt chất lượng nguồn nhân lực bao gồm sức khỏe, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn lành nghề, năng lực, phẩm chất và thái độ lao động của cá nhân người lao động, cũng như phải xem xét cả về mặt cơ cấu nguồn nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực còn phụ thuộc vào cơ cấu đội ngũ lao động, trình độ, năng lực tổ chức và quản lý, khả năng phối hợp để thực hiện các mục tiêu đặt ra.
1.2. Khái niệm quản lý nguồn nhân lực
“ Quản lý nguồn nhân lực là tìm mọi cách tạo thuận lợi cho mọi người trong tổ chức hoàn thành tốt các mục tiêu chiến lược và các kế hoạch của tổ chức, tăng cường cống hiến của mọi người theo hướng phù hợp với chiến lược của tổ chức, đạo đức và xã hội”.[ 5,tr 29].
Ở cấp độ vi mô tổ chức ở đây là: Tổ sản xuất, phân xưởng, phòng ban, doanh nghiệp. Và các hoạt động quản lý nguồn nhân lực ở cấp độ này bao gồm các hoạt động tuyển mộ tuyển chọn, bố trí lực lao động trong tổ chức, tổ chức đào tạo và phát triển lao động … nhằm đảm bảo một lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu công việc của tổ chức cả về mặt số lượng và chất lượng.
Ở cấp độ vĩ mô thì tổ chức ở đây có thể là địa phương, quốc gia, có thể là khu vực và quốc tế. Và hoạt động quản lý nguồn nhân lực ở đây bao gồm một số hoạt động như quyết định các chính sách quốc gia, kế hoạch về nguồn nhân lực, phân bổ sử dụng lao động toàn xã hội. Ban hành và hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật lao động và kiểm tra việc thi hành pháp luật lao động … Và các hoạt động trên nhằm tạo ra một lực lượng lao động đủ về số lượng và cao về chất lượng, có cơ cấu hợp lý đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Như vậy, Quản lý nguồn nhân lực là một quá trình phải được xem xét trong mối quan hệ không thể tách rời giữa các quá trình: Phát triển nguồn nhân lực, phân bố nguồn nhân lực và sử dụng nguồn nhân lực.
1.3. Khái niệm đào tạo
“Đào tạo được hiểu là các hoạt động học tập nhằm giúp cho người lao động có thể thực hiện hiệu quả hơn chức năng nhiệm vụ của mình”.[1, tr 161]
Đào tạo là những hoạt động học tập được diễn ra trong thời gian ngắn hạn nhằm cung cấp cho người lao động những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu hơn về công việc hiện tại, củng cố và bổ sung những kiến thức và kỹ năng, trình độ chuyên môn còn thiếu hụt của người lao động. Đó là các hoạt động học tập nhằm nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng của người lao động để thực hiện có hiệu quả hơn công việc hiện tại.
1.4. Khái niệm phát triển
“Phát triển là các hoạt động học tập vượt ra khỏi phạm vi công việc trước mắt của người lao động, nhằm mở ra cho họ những công việc mới dựa trên cơ sở những định hướng tương lai của tổ chức” [1, tr 161]
Như vậy phát triển là các hoạt động học tập nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng, năng lực cho người lao động khi họ chuẩn bị bước vào công việc mới với những đòi hỏi, yêu cầu cao hơn về trình độ chuyên môn lành nghề trong công việc. Phát triển chủ yếu là chuẩn bị cho người lao động những kiến thức kỹ năng về công việc trong tương lai.
1.5. Khái niệm chính sách
Chính sách là một trong những công cụ chủ yếu mà Nhà nước sử dụng để quản lý nền kinh tế quốc dân. Mỗi chính sách cụ thể là một tập hợp các giải pháp nhất định để thực hiện các mục tiêu bộ phận trong quá trình đạt tới các mục tiêu chung của sự phát triển kinh tế – xã hội.
1.6. Chính sách quản lý nguồn nhân lực
Chính sách quản lý nguồn nhân lực là công cụ để quản lý nguồn nhân lực gồm các chế độ, các biện pháp, các quy định cụ thể tác động đến hành vi lao động, thái độ lao động của người lao động để đạt được các mục tiêu đã được đặt ra.
1.7. Chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là công cụ để quản lý nguồn nhân lực, bao gồm các chế độ, các quy định cụ thể về quá trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng trình độ của người lao động để họ có thể thực hiện có hiệu quả công việc hiện tại cũng như chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng, năng lực để họ có thể đảm nhiệm những công việc ở vị trí cao hơn trong nghề nghiệp của bản thân họ.
2. Phân loại chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
2.1. Phân loại theo phạm vi điều chỉnh của chính sách
– Chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở phạm vi quốc gia
Đây là những qui định, chế độ do Nhà nước ban hành nhằm nâng cao năng lực về mọi mặt kỹ năng, kiến thức và tinh thần và cơ cấu nguồn nhân lực để có thể tham gia một cách có hiệu quả vào quá trình phát triển quốc gia.
– Chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở phạm vi địa phương
Là những chính sách do cơ quản quản lý ở địa phương ban hành nhằm tổ chức, thực hiện, quản lý việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở địa phương.
– Chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong phạm vi ngành
Là những chính sách do các Bộ ban hành nhằm tổ chức thực hiện và quản lý hoạt động đào tạo nguồn nhân lực mà cụ thể là lực lượng lao động đang làm việc trong các ngành cả về mặt số lượng và chất lượng để có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành.
– Chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong phạm vi doanh nghiệp.
Là những chính sách của doanh nghiệp nhằm tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn lành nghề cho người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp để họ có thể làm việc có hiệu quả hơn trong công việc hiện tại cũng như chuẩn bị những kiến thức kỹ năng cho những công việc ở vị trí cao hơn trong tương lai.
2.2. Phân loại theo đối tượng thụ hưởng chính sách
Cùng với việc ban hành những chính sách chung áp dụng cho toàn bộ nguồn nhân lực, Nhà nước còn ban hành những chính sách riêng áp dụng đối với từng nhóm người lao động tùy theo mục tiêu nhiệm vụ phát triển đất nước trong từng thời kỳ. Trong thời kỳ hiện nay, nước ta ban hành những chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho những nhóm đối tượng đặc thù sau:
– Chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khu vực quản lý hành chính Nhà nước.
– Chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học – công nghệ
– Chính sách đào tạo và phát triển đội ngũ các doanh nhân
– Chính sách đào tạo và phát triển công nhân kỹ thuật trình độ cao
2.3. Phân loại theo quy trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
– Chính sách thu hút trước khi đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Đó là các chính sách nhằm tạo các điều kiện thuận lợi để thu hút, khuyến khích mọi người tham gia vào quá trình đào tạo và phát triển nhằm nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn lành nghề, kỹ năng. Các chính sách đó bao gồm chính sách về đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm đáp ứng được các yêu cầu của xã hội. Các Chính sách ưu tiên đối với đối tượng chính sách, gia đình khó khăn như cộng điểm ưu tiên, miễn giảm học phí tạo điều kiện cho họ được học tập. Ngoài ra còn có chế độ học bổng đối với những học sinh đạt kết quả cao trong học tập nhằm khuyến khích động viên sinh viên học tập. Còn có chính sách tổ chức quản lý quỹ tín dụng cho sinh viên…
– Chính sách trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Đây là các chính sách nhằm tổ chức, tiến hành và quản lý quá trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bao gồm chính sách về kinh phí cho quá trình đào tạo và phát triển, chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách về xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên đủ về số lượng và cao về chất lượng, tổ chức đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ giảng viên. chính sách về thiết kế nội dung và phương pháp dạy học.
– Chính sách sau đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Đây là những chính sách sắp xếp, bố trí, sử dụng những người đã được đào tạo một cách hợp lý để có thể phát huy những kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn lành nghề, năng lực của họ thực hiện công việc phù hợp với năng lực trình độ của họ.Để xem toàn bộ nội dung bài tiểu luận này, bạn có thể tải về TẠI ĐÂY